Eighteen's Bed Novel (Hoàn Thành) - Chương 133
“Phải rồi, ký túc xá.”
Trong lúc lướt qua lịch học đầu tiên đang cận kề, tôi chợt nhớ ra. Không có điện thoại, tôi chẳng thể nhận được bất kỳ tin tức nào. Những ngày mơ hồ như một kẻ ngốc cứ thế trôi qua. Tôi vội vã bật dậy và tìm bố mẹ.
“Con có thể vào mạng một chút được không ạ?”
“Hả? Sao vậy?”
“Con cần kiểm tra ký túc xá…”
“À, cái đó hả? Dùng máy tính trên bàn trong thư viện đi.”
“Vâng, cảm ơn bố mẹ.”
Sau khi cúi đầu cảm ơn, tôi cố nhớ lại cấu trúc ngôi nhà này.
“Nhưng sao không mua điện thoại mới?”
Câu hỏi đó như chạm đến sau thẳm trong tôi. Sự bình yên mong manh mà tôi đang tận hưởng chỉ có được vì tôi đã cắt đứt mọi phương tiện liên lạc. Nhưng tôi không thể nói ra điều đó mà chỉ cười ngượng ngùng. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh chiếc điện thoại của mình bị bỏ mặc thê thảm trên sàn nhà.
“Khi nào về Hàn con sẽ mua.”
“…Bạn bè không gọi liên lạc gì à?”
“Không ạ.”
Miệng tôi ngập ngừng, cuối cùng cũng thốt ra một lời bào chữa chậm chạp:
“Chỉ toàn là những người con không muốn liên lạc thôi.”
“…Vậy hả. Nếu con nói vậy thì chắc là vậy rồi.”
Câu trả lời của bố nghe thật kỳ lạ, như thể đang nhìn đứa con bị bạn bè xa lánh ở trường với ánh mắt thương hại. Mà nghĩ lại thì đâu có gì sai.
“Bạn bè thì lên đại học vẫn kết thêm được mà.”
“Vâng… đúng thế.”
Tôi vội vàng rời khỏi bầu không khí khó xử đó rồi vào trong thư viện xa lạ, tôi kiểm tra kết quả đăng ký ký túc xá. Tất nhiên là đã được chấp nhận.
Bố mẹ đã bảo sẽ giải quyết chuyện đó, nên không có gì ngạc nhiên cả. Chỉ có điều địa chỉ của tôi ghi là Busan, khiến tôi hơi ngượng. Sao lại là Busan chứ? Trong lúc đang ngơ ngác, tôi chợt nhớ ra căn hộ ở Haeundae đứng tên tôi.
“À, là nó.”
Tôi vội vàng nhấn nút đóng trang web, che đi sự lúng túng. Sau đó tôi kiểm tra thời gian nhập học.
Điểm kỳ lạ là mặc dù thời gian đăng ký đã được ghi rõ, nhưng lại không có thời gian cụ thể để chuyển vào. Chỉ đơn giản là trong ngày thường, thế thôi. Thế thì chỉ cần chuyển vào trước buổi học đầu tiên là được.
Ngay khi hoàn thành phép tính ngắn gọn đó, tôi đã đặt vé máy bay về Hàn Quốc sau đó báo tin với bố mẹ rằng tôi đã được nhận vào ký túc xá. Dù không hài lòng lắm với việc tôi chuyển vào ký túc, nhưng cuối cùng cả hai cũng đồng ý. Họ còn gọi về nhà, nhờ dì giúp việc chuẩn bị hành lý cho tôi.
Trong khoảng thời gian này, tôi đang dẫm nát những mầm mống bất an, gieo trồng những hạt giống tự tin. Con người tỉnh dậy giữa đêm khuya hay sáng sớm kia, tôi đã đè bẹp nó bằng việc nghiến ngấu ngón tay mình. Và khi nghĩ về việc cuối cùng cũng nhổ bỏ được chiếc răng đau mang tên “đại học” trong suốt 19 năm qua, tôi cảm thấy mình có thể làm được mọi thứ.
“À, thực sự là lạ lẫm mà.”
Đặc biệt là khi đứng trong cửa hàng điện thoại, tôi cảm thấy vô cùng lúng túng. Ký vào hợp đồng một mình mang lại cảm giác không quen thuộc. Những việc của người lớn giờ đây tìm đến tên tôi. Vậy là tôi mua điện thoại mới và đổi số mới. Những dấu hiệu của tuổi trưởng thành đã âm thầm khắc lên tôi. Mọi thứ mà tôi chờ đợi bấy lâu nay cuối cùng cũng thành hiện thực, trên nền tảng của những nỗ lực chính đáng. Tấm vé “trúng tuyển” trở thành biểu tượng danh dự của tôi. Vì vậy tôi cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ cúi đầu.
Nhưng ngay khi bước vào khu phố quen thuộc, con người tự tin đó lại biến thành một con chuột nhỏ, luồn lách giữa những kẽ hở. Bộ dạng của tôi khi lén lút đi qua những con đường quen thuộc trông thảm hại vô cùng. Ánh mắt tôi cứ dừng lại mãi trước cánh cổng nhà họ Go.
Liệu có mở ra không…
Liệu có chạm mặt không…
Tôi cúi rạp người, bước đi mà không gây tiếng động cứ như một tên trộm lẻn vào khu phố này. Tôi lặng lẽ tiến qua cánh cổng nhà trong nỗi sợ hãi. Và thế là con người tự tin, mạnh mẽ kia đã hoàn toàn tan biến.
Khi trở về nhà, điều đầu tiên chào đón tôi là lối vào gọn gàng và dì giúp việc, dì ấy đã sống trong căn biệt thự này như chủ nhân trong thời gian tôi vắng mặt. Khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, biểu cảm của dì ấy thực sự rất kỳ lạ. Tôi nghĩ mãi không hiểu, cho đến khi nhớ lại lời bố mẹ nói ở sân bay:
“Giờ nhà mình chỉ còn cô Jung ở lại thôi nhỉ.”
“Phải làm sao đây? Có nên cho chị ấy nghỉ việc không?”
“Vậy thì ai quản lý nhà cửa đây?”
Sau cùng, họ quyết định không sa thải dì ấy, vì họ muốn căn nhà luôn được chăm sóc gọn gàng ngay cả khi không có ai ở. Họ còn đùa:
“Thế thì ngôi nhà này gần như thuộc về chị ấy luôn rồi. Nếu chị ấy có làm như mình là chủ nhà thì chắc chẳng ai biết.”
“Jun à, cuối tuần con về thăm nhà xem dì ấy có để ai lạ mặt vào không nhé.”
Có thể chỉ là lời nói đùa, nhưng dù sao họ cũng có thể kiểm tra qua CCTV mà.
Dù sao đi nữa, khi thấy khuôn mặt lo lắng của dì ấy, tôi không thể bỏ qua mà không nói gì. Vì vậy tôi đã lặp lại lời của bố mẹ:
“Bố mẹ cháu nói sẽ không sa thải dì đâu.”
“À… Vâng…”
“… Thỉnh thoảng nếu rảnh, cháu sẽ ghé ăn cơm.”
“Vâng.”
“Nhờ dì chăm sóc nhà cửa giúp cháu nhé.”
“Vâng.”
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó làm tôi thấy lạ lẫm với chính mình. Nói những lời như vậy với người lớn khiến tôi rùng mình. Thật lúng túng, đến mức tôi phải giả vờ ho để chuyển hướng.
Và rồi sau một hồi im lặng, dì ấy đột ngột lên tiếng:
“Cậu chủ, tôi đã để cái đó trên bàn làm việc rồi.”
“Vâng? Cái gì cơ?”
“Thứ cậu để quên. Tôi nghĩ có lẽ cậu sẽ cần nên đã giữ lại.”
“À… Cảm ơn cô.”
Tôi không biết mình đã để quên cái gì, nhưng không muốn hỏi thêm vì sợ không khí sẽ trở nên kỳ lạ hơn. Tôi nhanh chóng bước lên cầu thang. Thứ đập vào mắt tôi trong phòng chính là ác mộng tồi tệ nhất:
“Chết tiệt…”
Chiếc điện thoại với màn hình vỡ toang. Tôi úp mặt vào hai lòng bàn tay.
Và cuối cùng, ký túc xá mà tôi đặt chân đến chẳng khác nào một căn nhà hoang. Ít nhất là theo tiêu chuẩn của tôi.
***
“…Chẳng lẽ đó là chuột sao.”
Tôi chắc chắn đã thấy thứ gì đó chạy qua bụi cỏ gần đó. Nó to hơn nắm tay, và chỉ nghĩ đến hình dạng của nó thôi cũng đủ khiến tôi buồn nôn nên đành cố ngừng tưởng tượng. Có khi tôi nên ở trọ riêng thì tốt hơn. Khi đang gượng gạo nhìn ra khung cảnh bên ngoài cửa sổ, cố gắng đè nén cảm giác buồn nôn, một người nhìn thấy nét
mặt tôi liền cười và nói:
“Không gian không được tốt lắm, đúng không?”
“Dạ? À không….”
Tôi không biết phải phản ứng ra sao, đành lúng túng trả lời. Trò chuyện với phụ nữ trẻ tuổi luôn khiến tôi thấy hơi khó xử.
Có lẽ vì suốt cuộc đời, tôi ít có cơ hội tiếp xúc với họ. Người phụ nữ trẻ tuổi mà tôi từng nói chuyện nhiều nhất chắc cũng chỉ là các giáo viên của tôi. Nhưng dù sao thì cũng thật kỳ cục nếu đối xử với người này như một giáo viên, vì cô ấy trông trẻ hơn nhiều.
Tôi cố suy nghĩ đủ kiểu trong đầu, còn miệng thì vụng về trả lời trong khi hoàn thành nốt giấy tờ.
“Không, thực sự không được tốt lắm.”
“….”
Thường thì đến đây, mọi người sẽ ngừng nói chuyện và tập trung vào việc của mình, nhưng người này thì lại cứ tiếp tục bắt chuyện với tôi một cách kỳ lạ.
“Nhưng dần dần em sẽ thấy biết ơn đấy. Tòa nhà này là phòng đôi, nên ban đầu mọi người không thích lắm, nhưng sau này lại thi nhau xin vào đây. Thực ra đây là ký túc xá có điều kiện tốt nhất. Phòng thì rộng nhất, có cả nhà vệ sinh và phòng tắm riêng. Hơn nữa căng tin ký túc xá sau trường đại học cũng rất gần.”
“Căng tin ký túc xá thì có gì đặc biệt?”
Tôi chỉ hỏi vì tò mò, nhưng nhân viên đó bất ngờ sáng bừng nét mặt, tiến lại gần tôi khiến tôi giật mình lùi lại một chút.
“À, thì….”
“Đây là nơi có đồ ăn ngon nhất trong trường. Vì vậy vào giờ trưa lúc nào cũng rất đông. Nếu không muốn chen lấn, em nên tránh đến đúng giờ ăn trưa. Ngoài ra căng tin ở khoa Sư phạm cũng ổn, nhưng tuyệt đối đừng đến căng tin của khoa Nghệ thuật.”
“…Vâng.”
“Cuối cùng đây là giấy tờ cần ký. Em ký vào phần cuối này nhé. Sau đó em có thể nhận lại đồ đã gửi ở đây.”
“Cảm ơn.”
“Em cần chị giúp gì nữa không? Có cần gì thì cứ nói nhé.”
“À không, em ổn rồi.”
Nhân viên này thật sự quá thân thiện đến mức khiến tôi hơi ngại ngùng. Khi tôi đến kho để nhận đồ đã chuyển đến từ trước, chị ấy thậm chí còn mang cả xe đẩy đến giúp tôi ngay tại lối vào. Nhân viên ở đây có phải lúc nào cũng nhiệt tình như vậy không nhỉ? Tôi vừa gãi đầu ngại ngùng vừa chất đồ lên xe đẩy.
meomeo
sao từ cái khúc thi tốt nghiệp nó cyws ấy ấy thế nào ấy nhỉ